Thủ tướng dự hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Tuyên Quang

0
200

Ngày 27-2, tại Tuyên Quang, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu tại hội nghị.

Tuyên Quang nằm giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc của đất nước, cách Thủ đô Hà Nội 140km về phía Bắc. Với địa hình trải dài từ Bắc xuống Nam, Tuyên Quang có lịch sử hình thành lâu đời, gắn với sự phát triển của cộng đồng các dân tộc cư trú nơi đây như: Kinh, Tày, Nùng, Dao… Đất đai và khí hậu Tuyên Quang rất phù hợp cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Độ che phủ rừng của Tuyên Quang hơn 60{6fe249212ef9d16feee93e4914a75023461ff5bd920839da656b0c1b421ab6e3} diện tích tự nhiên với các loại cây chủ yếu như keo, mỡ, một số loại cây bản địa phục vụ cho ngành sản xuất giấy, chế biến gỗ.

Tuyên Quang có nhiều điều kiện để phát triển tốt các loại hình du lịch, trong đó, có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích sinh thái Nà Hang với diện tích rừng nguyên sinh hơn 8.000ha, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm với nguồn suối khoáng nóng… Tỉnh Tuyên Quang ưu tiên mời gọi các dự án đầu tư du lịch, dịch vụ trọng điểm để khai thác thế mạnh của địa phương như nghỉ dưỡng, chữa bệnh, du lịch sinh thái, tổ hợp du lịch cao cấp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan gian trưng bày các nông sản chất lượng cao của tỉnh Tuyên Quang.

Hiện nay, Tuyên Quang có hai khu công nghiệp là Khu công nghiệp Long Bình An (diện tích 170ha) thuộc TP Tuyên Quang và Khu công nghiệp Sơn Nam (diện tích 150ha) thuộc huyện Sơn Dương. Đây là các khu công nghiệp đa ngành, ưu tiên mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực như: Chế biến nông lâm sản, khoáng sản, vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim, dệt may, thiết bị điện tử… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 7 cụm công nghiệp với diện tích 285ha. Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh sẽ hình thành 11 cụm công nghiệp với diện tích 346ha.

Các lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư gồm du lịch, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ lưu trú tại các điểm du lịch, kết cấu hạ tầng thương mại, đầu tư phát triển du lịch. Tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng danh mục 15 dự án trọng điểm thu hút đầu tư; dành nhiều chính sách ưu đãi với các nhà đầu tư tham gia vào những dự án này như miễn tiền thuê đất, miễn, giảm thuế, hỗ trợ chi phí đào tạo…

Theo đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang, tỉnh đặt mục tiêu trở thành tỉnh khá ở khu vực miền núi phía Bắc. Để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Trong đó, xây dựng hệ thống cơ chế chính sách ổn định, minh bạch, ưu đãi, hỗ trợ theo loại hình, quy mô, tính chất dự án, tập trung hỗ trợ về thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, đào tạo nhân lực. Tỉnh đang triển khai dự án đường nối Tuyên Quang với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, xây dựng chỉnh trang đô thị trong tỉnh, quy hoạch xây dựng hạ tầng đô thị thiết yếu như giao thông, điện, cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành chứng kiến lễ ký cam kết thỏa thuận đầu tư giữa lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và các doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình, đối thoại để qua đó thấu hiểu, giải quyết các kiến nghị, khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư. Tuyên Quang cam kết giảm tối thiểu 30{6fe249212ef9d16feee93e4914a75023461ff5bd920839da656b0c1b421ab6e3} thời gian cho doanh nghiệp và người dân thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh. Thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân với sự phục vụ của cơ quan Nhà nước; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm mọi biểu hiện sách nhiễu của cán bộ công chức, viên chức…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức tốt Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, đồng thời khẳng định đây sẽ là tiền đề tạo ra sức hút đầu tư mới của tỉnh. Thủ tướng cho biết, đã giải quyết hơn 10 kiến nghị của tỉnh Tuyên Quang để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, trong đó quan trọng nhất là việc đồng ý về chủ trương xây dựng đường cao tốc từ Đoan Hùng (Phú Thọ) lên Tuyên Quang dài hơn 40km, theo hình thức hợp tác công tư.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Tuyên Quang có rất nhiều thế mạnh về du lịch, dịch vụ, khoáng sản, nông nghiệp để phát triển. Cụ thể là: Có truyền thống cách mạng, người dân cần cù, chăm chỉ; đất rộng, đất tốt, tầng đất rất dày; có nguồn nước dồi dào với 3 con sông lớn đi qua; vị trí gần thủ đô Hà Nội; có nhiều danh lam, thắng cảnh, khu di tích lịch sử, cách mạng có thể phát triển du lịch; có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp: chè, mía, cam… Và đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang có tư duy đổi mới, cầu thị, thực hiện nhiều cải cách, có quyết tâm và khát vọng lớn để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. “Không khát vọng thì khó có thể thành công, nhất là đối với một địa phương của tỉnh miền núi phía Bắc”, Thủ tướng nhìn nhận.

Từ chỗ đứng chót bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào năm 2012, Tuyên Quang đã vươn lên xếp hạng 48/63 vào năm 2016. Với trường Đại học Tân Trào, một số trường dạy nghề tại địa phương việc phát triển nguồn nhân lực của Tuyên Quang đã tốt hơn. Tuy nhiên, Tuyên Quang cũng có nhiều khó khăn nhất là hạ tầng như giao thông chưa thật thuận lợi, cách thức tổ chức của địa phương còn những vấn đề, trình độ dân trí của người dân chưa cao; chưa triển khai được sản xuất hàng hóa nên tỉnh còn nghèo, thu nhập còn thấp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành chứng kiến lễ ký cam kết thỏa thuận đầu tư giữa lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và các doanh nghiệp.

Trước thực tế đó, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Tuyên Quang phải thực hiện tốt một số việc như: Cần phải xã hội hóa mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư, khuyến khích đầu tư tư nhân, cả về hạ tầng và xã hội, coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển; cần có quy hoạch tốt để phát triển bền vững, lâu dài, giữ môi trường sống xanh, sạch; tiếp tục cải cách, đổi mới mạnh mẽ, đặc biệt là cải cách hành chính, trước hết là thủ tục hành chính cho môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất bởi thứ hạng PCI còn thấp, hạ tầng chưa thật thuận lợi cho nhà đầu tư; phải đào tạo lại người lao động tại địa phương; phải tạo ra tăng trưởng bao trùm, nghĩa là người dân phải được hưởng lợi từ sự phát triển của địa phương…, muốn vậy người lao động phải được đào tạo để có công ăn việc làm. “Cần phải làm sao để nhà đầu tư và địa phương phải cùng thắng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng nhắn gửi các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần phải thực hiện đúng cam kết đầu tư, có chiến lược đầu tư kinh doanh lâu dài, mang tính bền vững tại Tuyên Quang; phải đối xử với người lao động đúng mực, với mức lương bảo đảm, và tạo ra môi trường sống tốt để người lao động tái tạo được sức lao động. Doanh nghiệp phải có ý thức giữ gìn môi trường, đặc biệt là sông Lô ở Tuyên Quang là đầu nguồn nước của thủ đô Hà Nội, vì thế việc xả thải ra sông phải được kiểm soát tốt.

Thủ tướng một lần nữa khẳng định quyết tâm trong việc kiên trì xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi và tài sản chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư và tài sản của công dân. Chính phủ đang nỗ lực ổn định chính sách, quản lý minh bạch, tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư. Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang phấn đầu để có môi trường kinh doanh nằm trong tốp ASEAN 4.

Tại hội nghị, tỉnh Tuyên Quang đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 6 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký là hơn 3.700 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh cũng ký cam kết thỏa thuận đầu tư với một số doanh nghiệp khác với trị giá hơn 18.600 tỷ đồng.