10 sự kiện về biến đổi khí hậu nổi bật năm 2015

0
229

Thông qua các sự kiện về môi trường và biến đổi khí hậu trong năm 2015 đã diễn ra tại Việt Nam, Văn phòng Biến đổi khí hậu (CCCO) đã chọn ra danh sách 10 sự kiện nổi bật nhất dưới đây.

1. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) tại thủ đô Paris, Pháp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại COP21 (Nguồn ảnh: Internet)

Ngày 30/11 tại thủ đô Paris, Pháp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP 21 nhằm khẳng định sự hưởng ứng mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát biểu trước 150 lãnh đạo các nước, chính phủ và các nhà lãnh đạo của các tổ chức quốc tế đại diện cho 196 thành viên thuộc Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lại cam kết của chính phủ Việt Nam trong việc tham gia các nỗ lực toàn cầu để đối phó với biến đổi khí hậu. Cũng tại Hội nghị lần này, Việt Nam cam kết sẽ đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ Khí hậu Xanh giai đoạn từ 2016 – 2020.

2. Quốc hội thông qua Luật khí tượng thủy văn

Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIII (Nguồn ảnh: Internet)

Chiều 23/11, tại kỳ họp thứ 10, với 410/412 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Luật Khí tượng thủy văn. Lần đầu tiên toàn bộ hoạt động khí tượng thủy văn trên phạm vi cả nước được điều chỉnh bằng Luật, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

3. Thủ tướng phê duyệt khung chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu

Sử dụng năng lượng tái tạo (Nguồn ảnh: Internet)

Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Khung chính sách năm 2016 thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC). Trong đó có các nội dung: Nâng cao tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho tủ lạnh gia dụng; xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời; xây dựng Luật lâm nghiệp mới thay thế Luật bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11; xây dựng tài liệu giáo dục trường học an toàn cấp tiểu học; xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố;…

4. Phân bổ 3.000 tỷ đồng ứng phó với biến đổi khí hậu

Trồng rừng ngập mặn đối phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng (Nguồn ảnh: Internet)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý phân bổ 3.000 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2015 cho 16 dự án chuyển tiếp đã được bố trí vốn Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) từ các năm trước. Cùng với đó là các dự án trồng rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn và các dự án cấp bách thuộc Danh mục Chương trình SP-RCC.

5. Ra mắt Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu

Hội nghị giới thiệu Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu diễn ra tại Hà Nội (Nguồn ảnh: Internet)

Ngày 22/1, Chính phủ đã chính thức ra mặt Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, đồng thời công bố báo cáo đặc biệt về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với Biến đổi khí hậu (SREX Việt Nam). Với báo cáo này Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng báo cáo SREX cho mình.

6. Việt Nam cam kết thực hiện giảm 8{6fe249212ef9d16feee93e4914a75023461ff5bd920839da656b0c1b421ab6e3} lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản

Các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính là nguyên nhân chính gây nên biến đổi khí hậu (Nguồn ảnh: Internet)

Ngày 30/10 tại Đà Nẵng, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị công bố Báo cáo đóng góp của Việt Nam cho thỏa thuận toàn cầu mới về khí hậu. Qua đó, Việt Nam cam kết thực hiện cắt giảm 8{6fe249212ef9d16feee93e4914a75023461ff5bd920839da656b0c1b421ab6e3} lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản. Đây là một trong những nỗ lực của Việt Nam nhằm cùng thế giới chung tay giảm thiểu những tác hại khôn lường do biến đổi khí hậu gây ra.

7. Việt Nam – Hoa Kỳ tăng cường hợp tác về năng lượng sạch

Lễ ký kết ý định thư giữa Bộ Công thương và USAID (Nguồn ảnh: Internet)

Ngày 29/7, Bộ Công thương Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã ký ý định thư về hợp tác phát triển năng lượng sạch và hiệu quả năng lượng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ thỏa thuận, Bộ Công thương và USAID sẽ tập trung vào các sáng kiến liên quan đến năng lực xây dựng và thực hiện các chính sách năng lượng sạch hiệu quả; các biện pháp nâng cao hiệu quả năng lượng trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng của nền kinh tế; và năng lực của chính phủ, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác trong việc triển khai năng lượng tái tạo cho Việt Nam.

8. Biến đổi khí hậu thể hiện rõ qua các hiện tượng khí hậu cực đoan tại nhiều tỉnh thành, khu vực trên cả nước

Lũ lụt gây ngập trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung (Nguồn ảnh: Internet)

Trong các tuần cuối tháng ba, đầu tháng tư 2015, miền Trung xuất hiện những trận mưa trái mùa ngay trong đầu mùa khô. Đây là hiện tượng bất thường, biểu hiện rõ nhất của biến đổi khí hậu. Mưa lũ, ngập lụt đã cô lập hàng nghìn hộ dân, tàn phá lúa, hoa màu, công trình thủy lợi… trên diện rộng. Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế là các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất, ước tỉnh tổng thiệt hại của ba tỉnh lên đến hàng chục tỷ đồng. Tại 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, trên 8.000 ha lúa và gần 3.000 ha hoa màu bị ngập úng do mưa lũ.

9. Nắng nóng xảy ra trên diện rộng

Nắng nóng khiến hàng trăm ha lúa ở miền Trung chết khô do thiếu nước (Nguồn ảnh: Internet

Hạn hán xảy ra trên diện rộng, nhiều nơi ở miền Bắc và miền Trung nắng nóng trên 40 độ C. Đây là đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục trong 44 năm qua.

10. Tuyên bố Hà Nội tại IPU-132: Tiếp tục nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thông tin về kết quả IPU-132 tại buổi họp báo quốc tế (Nguồn: Internet)

Chiều ngày 1/4, sau 4 ngày làm việc, IPU-132 đã bế mạc và ra Tuyên bố chung Hà Nội. Tuyên bố Hà Nội với chủ đề “Các Mục tiêu Phát triển Bền vững: Biến Lời nói thành hành động” bao quát nhiều vấn đề quan trọng về phát triển bền vững; trong đó, tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các hành động khẩn cấp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.

Tổng hợp