Hội nghị Xúc tiến đầu tư, kết nối thương mại và du lịch vào tỉnh Lâm Đồng năm 2016 tại thành phố Đà Nẵng

0
402

Vào chiều ngày 19/8/2016 tại Khách sạn Mường Thanh – Thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Lâm Đồng (Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch) phối hợp cùng với UBND thành phố Đà Nẵng (Trung tâm XTĐT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Đầu tư nước ngoài) và Bộ Công thương (Cục Xúc tiến thương mại) tổ chức Hội nghị “Xúc tiến đầu tư, kết nối thương mại và du lịch vào tỉnh Lâm Đồng năm 2016”.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có sự tham dự của Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đặng Xuân Quang và Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung Trịnh Minh Vân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa cho biết: Lâm Đồng là một tỉnh với nhiều tiềm năng và thế mạnh riêng biệt. Vì vậy, đây là dịp để địa phương giới thiệu đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước những tiềm năng đó cũng như cơ chế, chính sách tại tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, hoạt động kết nối giao thương, kết nối du lịch còn tạo không gian giao lưu, tương tác giữa các doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp của TP. Đà Nẵng và các tỉnh, thành lân cận.

Ông Phan Văn Đa đề nghị, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các sở, ngành, đơn vị của tỉnh cũng cần tích cực tham gia và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện thuận lợi các dự án đầu tư, các hoạt động kết nối giao thương, các chương trình đã ký kết; qua đó góp phần giúp tỉnh Lâm Đồng khai thác hết tiềm năng để phát triển kinh tế – xã hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác cùng phát triển.

Tại Hội nghị, ông Đặng Xuân Quang – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Lâm Đồng với vai trò là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, có rất nhiều lợi thế để mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế trong nước và hội nhập với khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, Lâm Đồng vẫn đang đứng trước những thách thức trong thu hút, cải thiện môi trường đầu tư cũng như xúc tiến thương mại. Chính vì vậy, Lâm Đồng cần chủ động bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, nhất là quy hoạch sử dụng đất để thu hút đầu tư; quan tâm làm tốt công tác quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển đô thị. Bên cạnh đó, tỉnh cần huy động mọi nguồn lực để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh nhằm nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của địa phương; trong đó, tập trung vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, ưu tiên các tuyến giao thông quan trọng như: Dầu Giây – Liên Khương, khu công nghiệp Tân Phú và các cụm công nghiệp… Ngoài ra, Lâm Đồng phải tăng cường các hoạt động hợp tác liên kết vùng để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường; chú trọng liên kết với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, miền Trung – Tây Nguyên để tạo chuỗi sản phẩm du lịch, dịch vụ có giá trị gia tăng và hiệu quả cao.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đặng Xuân Quang

Cũng tại Hội nghị, ngoài việc giới thiệu các cơ chế chính sách ưu đãi của Tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Lạt đã được Thủ tướng phê duyệt, lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có, Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng đã giới thiệu 04 dự án trọng điểm mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế địa phương thời gian tới nhằm kêu gọi đầu tư. Các dự án bao gồm Khu công nghệ thông tin tập trung, Khu công nghệ sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Khu du lịch hồ Prenn và Phân khu văn hóa – trung tâm văn hóa thể thao. Các dự án này đều đã được UBND tỉnh Lâm Đồng quy hoạch, dự trù kinh phí, định hướng đầu tư với nhiều cam kết ưu đãi cụ thể.

Toàn cảnh Hội nghị

Chia sẻ lý do Hội nghị năm nay được tổ chức tại Đà Nẵng, ông Phạm Văn Đa cho biết, Hội nghị năm nay ngoài mục tiêu để Lâm Đồng giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và một số dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Lâm Đồng đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước thì đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng tìm kiếm đối tác, kết nối giao thương, phát triển tour tuyến du lịch, mở rộng thị trường tại thành phố Đà Nẵng và các vùng lân cận.

Ông Phạm Văn Đa cho rằng, Đà Nẵng và Lâm Đồng đều là những tỉnh thành phố trọng lực tại khu vực và có sức ảnh hưởng lớn tới các địa phương lân cận. TP. Đà Nẵng và TP. Đà Lạt nếu gắn kết được sẽ đem lại sự bổ sung cần thiết cho nhau trên rất nhiều phương diện. Đặc biệt với lượng khách du lịch hàng năm khá lớn ở cả hai địa phương, lại không bị trùng lặp về khí hậu, sản phẩm du lịch, nếu tạo ra được sợi dây liên kết thật sự chặt chẽ thì cả hai bên đều có lợi.

Toàn cảnh Hội nghị

Ông Vũ Văn Tư, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, hoạt động xúc tiến đầu tư của Lâm Đồng sẽ không dừng lại sau khi Hội nghị ngày hôm nay kết thúc, đây chỉ là sự khởi đầu cho chuỗi các hoạt động tiếp theo của Lâm Đồng với các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư Đà Nẵng nói riêng.

Đặc biệt, Hội nghị này đã được chứng kiến bảy bản ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp hai địa phương.

Kết nối giao thương, du lịch Lâm Đồng – Đà Nẵng

Sáng 19/8, trong khuôn khổ “Hội nghị xúc tiến đầu tư, kết nối thương mại và du lịch vào tỉnh Lâm Đồng năm 2016 tại Đà Nẵng”, hơn 50 doanh nghiệp của 2 địa phương đã tham dự Chương trình Kết nối giao thương, kết nối du lịch Lâm Đồng – Đà Nẵng.

Chương trình được tổ chức nhằm tạo môi trường tương tác kinh doanh giúp các doanh nghiệp Lâm Đồng giới thiệu thông tin về các sản phẩm dịch vụ và mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp tại Tp. Đà Nẵng và vùng phụ cận. Từ đó sẽ có hướng liên kết để cùng nhau phát triển trong thời gian tới.

Tại chương trình, các doanh nghiệp Lâm Đồng đã lần lượt giới thiệu về các sản phẩm thế mạnh đến các đối tác Đà Nẵng. Trong lĩnh vực nông sản chế biến, các sản phẩm đặc trưng như trà, cà phê, rượu vang, rau củ an toàn… từ các thương hiệu Vĩnh Tiến, Ladophar, đặc sản Đà Lạt Ngô Mai Hoa, các hợp tác xã sản xuất rau an toàn… và các tour, tuyến, khu du lịch mới của các công ty Dalat tourist, Sacom Tuyền Lâm… được các đối tác rất quan tâm.

Các doanh nghiệp của hai địa phương đã trao đổi với nhau những vấn đề quan tâm để hợp tác bền vững, ổn định, trong đó chủ yếu về giá thành, chất lượng sản phẩm, phương thức thanh toán, phương thức vận chuyển, an toàn thực phẩm…

Phát biểu tại chương trình, ông Vũ Văn Tư – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến – Đầu tư – Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: “Tính đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều sản phẩm được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể. Hầu hết các nhãn hiệu sản phẩm Lâm Đồng có thế mạnh đã được đăng ký và xác lập quyền như: Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Trà B’Lao, Cà phê Di Linh, Cà phê Arabica Langbiang,… Đây là những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư, phát triển các loại sản phẩm này tại tỉnh Lâm Đồng. Trong xu hướng hội nhập và phát triển của nền kinh tế thị trường, việc hợp tác phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội để phát huy lợi thế sẵn có của các doanh nghiệp là rất cần thiết. Lâm Đồng cam kết rằng, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các doanh nghiệp Đà Nẵng cũng như sự liên kết giữa các doanh nghiệp hai địa phương”.